12.  TÙ NHÂN:          

 

Chúa Nhật 9/7,

ĐTC dâng lễ tại nhà tù Regina Coeli

 

 

T

a bị cầm tù’ (Mt 25:36): những lời Chúa Kitô nói đây hôm nay đã vang vọng vào tai chúng ta trong đoạn Phúc Âm vừa được công bố ít phút trước. Những lời ấy gợi lên trong trí chúng ta hình ảnh một Chúa Kitô thực sự bị giam nhốt... bị nhóm thuộc hạ võ trang của Hội Đồng Do Thái vây bắt và giải đến trước tòa án của Anna và Caipha. Người đã chờ cả một đêm dài sau đó để được xét xử ở tòa án Rôma của Philatô...” (đoạn 1).

 

“Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Kitô là một tù nhân đã hiện lên trước mắt chúng ta đang tụ họp nơi đây. ‘Ta bị giam cầm mà các ngươi đến viếng thăm Ta’ (Mt 25:36). Người đang yêu cầu để được thấy nơi anh chị em, cũng như nơi rất nhiều người khác đang trải qua những hình thức khác nhau của khổ đau nhân loại: ‘Bao lâu các ngươi làm điều ấy cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta đây là các ngươi làm cho chính Ta’ (Mt 25:40). Chúng ta có thể nói những lời này chất chứa cả một ‘hoạch trình’ cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm Trong Các Nhà Tù được chúng ta đang cử hành hôm nay đây. Những lời ấy kêu mời chúng ta hãy sống động như là một cuộc dấn thân cho phẩm giá của tất cả mọi người, một phẩm giá phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đối với hết mọi người” (đoạn 2.1).

 

“Trung tâm điểm của Cuộc Mừng Kỷ Niệm này là Chúa Kitô, một tù nhân; đồng thời ở trung tâm ấy cũng có cả Chúa Kitô đóng vai là một nhà lập luật nữa. Chính Người đã thiết lập luật, công bố luật và kiên cường luật. Tuy nhiên, Người không thực hiện điều này một cách chuyên chế mà là dịu dàng và yêu thương...” (đoạn 3.1).

 

“Bản văn của tiên tri Isaia cho thấy một loạt hình ảnh hướng đến khía cạnh của sự sống, của niềm vui và của tự do, đó là Đấng Thiên Sai tương lai sẽ đến và là Đấng sẽ mở mắt cho kẻ mù lòa và mang các tù nhân ra khỏi ngục thất (x Is 42:7). Anh chị em thân mến, Tôi nghĩ rằng những lời cuối cùng của vị tiên tri ấy sẽ đặc biệt vang lên nơi lòng anh chị em lúc này đây một niềm hy vọng tràn đầy” (đoạn 3.2).

 

“Tuy nhiên, phải chấp nhận sứ điệp của Lời Thiên Chúa theo tất cả ý nghĩa trọn vẹn của sứ điệp này. ‘Ngục thất’ mà Chúa đến để giải cứu chúng ta trước hết là ngục thất trói buộc tinh thần. Tội lỗi là nhà tù của tinh thần. Theo ý nghĩa này, chúng ta làm sao quên được những lời sâu xa Chúa Giêsu đã nói: ‘Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho quí vị hay, ai phạm tội là nô lệ cho tội’ (Jn 8:34)? Đó là một thứ nô lệ mà Người đến để cứu độ chúng ta trước hết. Vì Người phán: ‘Nếu quí vị tuân giữ lời của Tôi thì quí vị thực sự là môn đệ của Tôi, và quí vị sẽ nhận biết sự thật rồi sự thật sẽ giải phóng quí vị’ (Jn 8:31)” (đoạn 4.1).

 

“Tuy nhiên, những lời của tiên tri Isaia về việc giải thoát phải được hiểu theo ý nghĩa của toàn bộ lịch sử cứu độ, một lịch sử đã đạt đến tuyệt đỉnh nơi Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc, Đấng đã mang lấy tội lỗi của thế gian (x Jn 1:29). Thiên Chúa đã để ý đến việc giải thoát hoàn toàn con người, một cuộc giải thoát chẳng những liên quan đến những tình trạng về thể lý và ngoại tại, mà trước hết và trên hết là cuộc giải thoát cõi lòng con người ta” (đoạn 4.2).

 

Đó chính là tình trạng nô lệ mà Thần Linh Thiên Chúa đã đến để giải thoát chúng ta thoát khỏi đó. Ngài là Tặng Ân tuyệt hảo Chúa Kitô đã chiếm được cho chúng ta, ‘trợ giúp chúng ta trong nỗi yếu hèn của chúng ta... chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời than khôn tả’ (Rm 8:26). Nếu chúng ta tuân theo tác động của Ngài, Ngài sẽ làm cho chúng ta đạt tới ơn cứu độ trọn vẹn, ‘được thừa nhận làm con, được ơn cứu chuộc về thân xác chúng ta’ (Rm 8:23)” (đoạn 5.2).

 

“Bởi thế, anh chị em tù nhân thân mến, Ngài, Thần Linh của Chúa Kitô, phải là Đấng hoạt động trong lòng trí anh chị em. Thánh Thần phải thấm nhập vào nhà tù này, nơi chúng ta đang gặp nhau đây, cũng như vào tất cả mọi nhà tù trên khắp thế giới. Chúa Kitô, Con Thiên Chúa đã trở thành một tù nhân; Người đã để cho tay của Người bị trói lại, rồi bị đóng đanh vào cây thập giá, chính là vì Người muốn để cho Thần Linh của Người có thể chạm đến cõi lòng của mọi người. Thần Linh của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc thế giới, cần phải thổi đến ngay ở nơi con người đang bị xiềng xích trong các ngục tù vì lý do công bình của loài người còn đang cần phải thi hành. Không thể làm giảm giá trị hình phạt xuống chỗ dùng nó như là một việc thuần túy trị tội cho đích đáng, lại càng không thể mặc lấy hình thức trả đũa của xã hội hay một thứ trả thù theo pháp chế. Việc trừng phạt và việc giam nhốt chỉ có ý nghĩa nếu, trong khi bảo trì những đòi hỏi của công bình và giảm bớt tội ác, những việc trừng phạt và giam nhốt này giúp phục hồi cá nhân, bằng cách hiến cho những ai đã lỗi phạm một cơ hội phản tỉnh và đổi thay đời sống để có thể tái hội nhập vào xã hội một cách trọn vẹn” (đoạn 6.1).

 

“Vậy Tôi xin anh chị em hãy hết sức nhắm tới một đời sống mới trong việc gặp gỡ Chúa Kitô. Toàn thể xã hội chỉ có thể hân hoan trước việc cải tiến của anh chị em mà thôi. Chính người bị anh chị em làm khổ có lẽ cũng sẽ cảm thấy rằng họ đã được đền bù hơn nữa, khi thấy việc biến đổi nội tâm nơi anh chị em hơn là thấy anh chị em chỉ phải chịu đền phạt” (đoạn 6.2).

 

“Tôi hy vọng là mỗi người trong anh chị em sẽ nghiệm thấy tình yêu giải phóng của Thiên Chúa. Xin Thần Linh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng làm cho tất cả mọi sự nên mới (x Rev 21:5), đến giữa anh chị em và giữa tất cả mọi tù nhân trên thế giới, làm cho lòng anh chị em được tràn đầy tin tưởng và hy vọng” (đoạn 6.3).

 

(L’Osservatore Romano ấn bản Anh ngữ, 12/7/2000, trang 1-2)